Các diễn biến chính trị có liên quan Chiến_dịch_tấn_công_Bucharest-Arad

Chính phủ Horthy dao động

Mùa thu năm 1944, Hungary không chỉ trở thành một trong ba chiến trường quan trọng quyết định số phận của Đế chế thứ ba là còn trở thành tâm điểm của các quan hệ quốc tế ở Trung Âu. Đối với nước Đức Quốc xã, quan hệ với đồng minh Hungary bắt đầu rạn nứt từ tháng 3 năm 1944 khi một số quan chức của "vương triều không vua" Horthy Miklós bắt đầu "tìm đường sang phương Tây" và Adolf Hitler đã cho quân Đức chiếm đóng Hungary. Cuối tháng 8 năm 1944, lo ngại về một "Romania thứ hai" có khả năng sẽ diễn ra tại Hungary, Bộ Tổng tư lệnh lục quân Đức quyết định đặt tất cả các tập đoàn quân, quân đoàn và sư đoàn Hungary dưới quyền chỉ huy của các tướng lĩnh tư lệnh Đức. Thái độ này làm cho một số chính khách và tướng lĩnh Hungary còn có "lòng tự trọng" tỏ ra bất bình. Ngay cả Horthy Miklós, người đã gắn bó gần như cả sự nghiệp chính trị cuối cùng của ông ta với chế độ Quốc xã Đức cũng ít nhiều tỏ ra không đồng tình với chính sách áp đặt của Hitler.[26]

Tối mùng 7 tháng 9, khi phát hiện được mũi đột kích của chủ lực Phương diện quân Ukraina 2 (Liên Xô) ngoặt lên hướng Debrecen chứ không hướng về Constantinopol như dự báo của Hitler. Hội đồng cơ mật của nhiếp chính Hungary đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp. Tại cuộc họp này, Trung tướng Tổng tham mưu trưởng quân đội Hungary Ianos Verios đã báo cáo tình hình mặt trận và cho rằng, các đòn tấn công này của quân đội Liên Xô sẽ tạo thành hai gọng kìm mạnh từ Đông Slovakia xuống và từ Nam Carpath lên, chia cắt hai tập đoàn quân Hungary ở phía Đông sông Tissa và trực tiếp uy hiếp Budapest. Hội đồng nhiếp chính Hungary nhận định tình hình là nghiêm trọng. Trong khi chưa nối được liên lạc với phương Tây, Horthy Miklós yêu cầu Hitler giúp đỡ. Trong thông điệp gửi Đại sứ Đức Quốc xã Greifenberg được Horthy ký ngay trong cuộc họp có đoạn viết:

Chúng tôi không van xin nước Đức mà chúng tôi yêu cầu nước Đức phải có trách nhiệm bảo vệ một đồng minh của mình trước cuộc tấn công của người Nga. Nếu nước Đức từ chối giúp đỡ Hungary bảo vệ đường biên giới của mình thì không còn cách nào khác, chúng tôi buộc phải mở cuộc thương lượng đình chiến với người Nga
— Nhiếp chính Hungary: Horthy Miklós.[27]

Nhận được báo cáo khẩn của đại sứ Greifenberg. Hitler lập tức yêu cầu ông ta tiếp kiến Horthy Miklós để trấn an. Đại sứ Đức cho biết nước Đức Quốc xã sẵn sàng rút các lực lượng từ phía Tây sang phía Đông để mặt trận chống quân đội Liên Xô không bị vỡ. Greifenberg còn bảo đảm với Horthy Miklós rằng đến ngày 12 hoặc 13 tháng 8, chắc chắn quân đội Đức Quốc xã sẽ điều đến Hungary Sư đoàn xe tăng 23, Sư đoàn xe tăng 24, Sư đoàn bộ binh 18 SS, Sư đoàn cảnh binh SS, Sư đoàn bộ binh 22.

Ngày 8 tháng 9, Chính phủ Hungary đã họp phiên đặc biệt. Tại đây, bá tước Géza von Teleki cho rằng thời cơ để thương lượng với Liên Xô đã bị bỏ lỡ sau ngày 2 tháng 9, ngày mà các tập đoàn quân Liên Xô phát động tấn công vào Transilvania. Vả lại, theo thông báo của đại sứ Đức, người Đức sẽ chống người Nga đến cùng, dù cho có phải mở cửa phía Tây để quân Anh - Mỹ kéo vào nước Đức. Vì vậy, theo Géza von Teleki, cách tốt nhất là để cho quân đội Anh - Mỹ chiếm đóng Hungari.[28]

Phản ứng của Đức Quốc xã

Thông qua bộ máy mật thám của cả dân sự lẫn quân sự ở Hungary, một lần nữa tướng Johannes Frießner lại phán đoán đúng tình hình rằng đang có một âm mưu sau lưng quân đội Đức Quốc xã tại mặt trận Hungary. Trong khi các sư đoàn xe tăng Đức đang được điều đến miền Đông Hungary thì ngày 13 tháng 9, Tổng hành dinh quân đội Đức Quốc xã tại Rastenburg (Đông Phổ) đã mở một phiên họp đặc biệt về tình hình Hungary. Sau kinh nghiệm thất bại cay đắng ở Romania, lần này, Adolf Hitler đã trao toàn quyền hành xử về quân sự và chính trị tại Hungary cho tướng Johannes Frießner. Mọi tổ chức quân sự cũng như dân sự, không trừ một tổ chức nào, đều được đặt thuộc quyền của Johannes Frießner. Cả Bộ Tổng tham mưu quân đội Hungary cũng bị đặt dưới quyền chỉ đạo trực tiếp của Bộ tham mưu Cụm tập đoàn quân của tướng Johannes Frießner. Khi nhận được quyết định này, Johannes Frießner đã cảm ơn Hitler đã tin cậy và nói:

Bộ chỉ huy Cụm tập đoàn quân đã và sẽ áp dụng những biện pháp đặc biệt đả bảo đảm an ninh cho vùng phía sau mặt trận của mình nếu xảy ra trường hợp biến động đột ngột về chính trị ở Hungary. Trong trường hợp đó, tôi sẽ không đếm xỉa gì đến những yêu cầu của phía Hungary
— Johannes Frießner.[19]

Ngay sau hội nghị, Bộ Tổng tham mưu lục quân Đức Quốc xã được lệnh phải tăng viện và tổ chức lại quân đội tại mặt trận Hungary trong thời gian ngắn nhất. Ngày 23 tháng 9 năm 1944, Hitler phê chuẩn quyết định tái lập Cụm tập đoàn quân Nam Đức bố trí tại Hungary gồm các tập đoàn quân 6 và 8 (cả hai đều tái lập), các tập đoàn 1, 2, 3 Hungary. Tướng Johannes Frießner vẫn làm tư lệnh cụm tập đoàn quân này. Các đơn vị Đức thuộc Cụm tập đoàn quân E đóng ở Nam Tư và Cụm tập đoàn quân F đóng ở Bắc Hy Lạp và Albani cũng thuộc quyền chỉ huy của tướng Johannes Frießner.

Chính phủ Horthy tìm lối thoát ở phía Tây

Ngày 22 tháng 9, một ngày trước khi Cụm tập đoàn quân Nam (Đức) được tái lập tại Hungary, Miklós Horthy cử thượng tướng István Náday, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Hungary bí mật đáp máy bay đến Sở chỉ huy tiền phương của Bộ Tư lệnh các lực lượng đồng minh phương Nam đạt tại Napoli (Ý). Tại đây, István Náday đã đề đạt với tướng Henry Wilson, tư lệnh các lực lượng đồng minh tại Ý về một kế hoạch đánh chiếm Hungary bằng quân đổ bộ của đồng minh từ hướng bán đảo Istria qua lãnh thổ Áo và Slovenia. Thực chất, đó chính là một phần của phương án Balkan của người Anh mà chính phủ Lakatós qua mạng lưới tình báo của mình ít nhiều nắm được. Tuy nhiên, liên quân Anh-Mỹ trên mặt trận Ý khi đó vừa dốc sức để mở chiến dịch Rimini nhằm đột phá qua phòng tuyến Gothic (Gotenstellung) và chuẩn bị cho Chiến dịch mùa xuân 1945 tại Ý (Spring offensive 1945). Người Anh cũng cho István Náday biết rằng phía sau tuyến Gothic, quân đội Đức Quốc xã còn bố trí bốn tuyến phòng thủ nữa gồm các tuyến Ghengis Khan ở phía Nam Bologna, tuyến song Po, tuyến sông Adige và tuyến Alpino để ngăn chặn quân Đồng Minh. Việc đột phá qua cả năm tuyến phòng thủ này không phải là một sớm một chiều. Trong khi đó thì quân đội Liên Xô đã ở cửa ngõ phía Đông Hungary và họ sẽ không dừng lại. Bởi vậy, tướng Henry Wilson khuyên István Náday nên trở về để nói chuyện với người Nga.[29][30]

Các cuộc đàm phán Liên Xô - Hungary tại Moskva

Nhận thấy không còn cách nào khác, ngày 28 tháng 9, Horthy Miklós cử phái đoàn của mình bí mật luồn rừng vượt qua chiến tuyến tại vùng núi Carpath sang phía Liên Xô để đàm phán. Tham gia đoàn Hungary có tướng Gábor Farago, cựu tùy viên quân sự Hungary tại Moskva trước chiến tranh, bá tước Géza von Teleki, Szent-Ivanyi Domokos, đại diện Bộ ngoại giao Hungary. Ngày 29 tháng 9, phái đoàn vượt qua biên giới an toàn, được Thượng tướng Fyodor Fedotovich Kuznetsov, Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Liên Xô tiếp đón và đưa về Moskva bằng tàu hỏa. Ngày 2 tháng 10, tại Moskva, phái đoàn của tướng Gábor Farago bắt đầu đàm phán với phái đoàn quân sự Liên Xô cũng vẫn do thượng tướng F. F. Kuznetsov dẫn đầu. Cũng trong khoảng thời gian đó, những dấu hiệu binh biến của quân đội Hungary trên mặt trận Đông Carpath bắt đầu xuất hiện.

Mặc dù cuộc đàm phán đã tiến được khá xa nhưng tướng Gábor Farago chỉ được Horthy Miklós ủy nhiệm ký hòa ước với Liên Xô theo hai điều kiện. Một là cho các lực lượng đồng minh Anh, Hoa Kỳ cùng chiếm đóng Hungary. Hai là cho quân đội Đức Quốc xã được tự do rút khỏi Hungary.[30] Về điều kiện thứ nhất, phía Liên Xô hứa sẽ bàn với các đồng minh Anh, Mỹ. Còn về điều kiện thứ hai thì tướng F. F. Kuznetsov nói thẳng rằng để quân đội Đức tự do rút lui là điều không thể được. Đoàn Liên Xô vạch rõ cho đoàn Hungary thấy họ không còn cách nào khác là phải cắt đứt mọi quan hệ với chế độ Quốc xã Đức, quân đội Hungary phải quay súng chiến đấu bên cạnh quân đội đồng minh nói chung và quân đội Liên Xô nói riêng chống lại quân đội Đức Quốc xã. Đó là cách tốt nhất để người Hungary có thể đóng góp vào thắng lợi chắc chắn sẽ đến của quân đồng minh chống lại chế độ phát xít. Rốt cuộc, phía Hungary hứa sẽ bảo đảm những điều kiện đó. Họ đề nghị quân đội Liên Xô ngừng công kích vào hướng Budapest để rút quân từ mặt trận về chống lại quân Đức. Phía Liên Xô đồng ý vì trên thực tế họ đang tạm ngừng chiến thuật để chuẩn bị cho Chiến dịch Debrecen chống lại Tập đoàn quân 6 (Đức).[31]

Đến ngày 9 tháng 10, các dự thảo văn hiện hòa ước sơ bộ đã được hai đoàn đàm phán dự thảo xong. Trong khi hai bên đang chờ xin ý kiến của chính phủ của mình thì một sự biến ở Budapest đã chôn vùi hòa bình đối với chính phủ của Horthy Miklós. Thực hiện đúng yêu cầu của Đại bản doanh, ngày 14 tháng 10, nguyên soái R. Ya. Malinovsky, tư lệnh Phương diện quân Ukraina 2 đến Szeged để đàm phán về việc thực hiện các điều khoản của hòa ước sơ bộ. Tuy nhiên, phía quân đội Hungary chỉ cử đến bàn đàm phán đại tá quân nhu Utasi Lowren. Ông này chẳng biết gì về các kế hoạch quân sự. Ông ta chỉ cho R. Ya. Malinovsky biết đại khái là Tập đoàn quân 1 Hungary sẽ rút khỏi Debrecen và có thể sẽ về Budapest tùy theo tình hình. R. Ya. Malinovsky đặt câu hỏi tại sao quân Hungary không chịu rút khỏi tuyến sông Tissa như hòa ước quy định. Viên đại tá trả lời: Không biết. R. Ya. Malinovsky phán đoán rằng đối phương (kể cả quân Đức và quân Hungary) đang muốn tranh thủ thời gian để rút quân khỏi cái túi Transilvania còn chưa đóng chặt. R. Ya. Malinovsky đề nghị ông ta truyền đạt đến cấp chỉ huy có thẩm quyền của Hungary yêu cầu về việc rút ngay các đơn vị Hungary đang đóng trên tuyến sông Tissa về Budapest và mở mũi đột kích vào cánh trái của Tập đoàn quân 6 (Đức) đang công kích Phương diện quân Ukraina 2 trên khu vực Sanok, quân đội Hungary phải bước vào chiến đấu ngay và bắt liên lạc với quân đội Liên Xô. 8 giờ ngày 16 tháng 10, phía Hungary phải cử một sĩ quan tham mưu cao cấp đến Szeged, mang theo các tin tức đầy đủ về tình hình quân đội Hungary và quân đội Đức Quốc xã mà họ nắm được.

19 giờ 15 phút ngày 14 tháng 10, Bộ Tổng tham mưu quân đội Liên Xô ra tối hậu thư cảnh báo Chính phủ của Horthy Miklós rằng họ đang trì hoãn, làm mất thời gian và đồng thời làm mất cơ hội đến với hòa bình của nhân dân Hungary. Tối hậu thư cũng lặp lại yêu cầu mà nguyên soái R. Ya. Malionovsky đã đề nghị phía Hungary thực hiện và xúc tiến ngay các hoạt động đình chiến sơ bộ trong vòng 48 giờ. Tuy nhiên, sau ngày 14 tháng 10, phía Hungary đã cắt đứt liên lạc với quân đội Liên Xô và trên chiến trường, quân Hungary tiếp tục chiến đấu chống lại quân đội Liên Xô kịch liệt hơn. Ngày 15 tháng 10, nhiếp chính Horthy Miklós ra lời kêu gọi nhân dân Hungary nổi dậy chống lại quân đội Đức Quốc xã. Ngày 16 tháng 10, các lực lượng đặc nhiệm SS do tướng Erich von dem Bach-Zalewski và thiếu tá Otto Skorzeny chỉ huy đã tổ chức đảo chính, bắt cóc con trai Horthy Miklós, buộc ông này phải lên đài phát thanh tuyên bố rút lại lời kêu gọi. Hai cha con Horthy Miklós bị đưa đi giam giữ tại Đức, những người đồng mưu với Horthy Miklós bị tàn sát.[32] Tướng Ferenc Szálasi, người của Đảng Quốc xã Hungary được quân Đức đưa lên làm Nhiếp chính và ông này, cùng với bộ máy quân đội, SS và mật vụ Đức buộc quân đội Hungary phải chiến đấu đến cùng chống lại quân đội Liên Xô. Hòa bình ở Hungary từ chỗ chỉ còn 5 ngày để thực hiện đã trở thành 5 tháng với tổn thất 140.000 sinh mạng Hồng quân Liên Xô và hàng chục vạn sinh mạng quân Đức và quân Hungary.[33]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_dịch_tấn_công_Bucharest-Arad http://mek.oszk.hu/01900/01906/html/index8.html http://www.historia.ro/exclusiv_web/general/artico... http://www.historia.ro/exclusiv_web/general/artico... http://www.historia.ro/exclusiv_web/general/artico... http://militera.lib.ru/h/gpwsh1/04.html http://militera.lib.ru/h/samsonov2/18.html http://militera.lib.ru/h/sovtankv/12.html http://militera.lib.ru/h/tippelskirch/10.html http://militera.lib.ru/h/ww2_german/19.html http://militera.lib.ru/memo/german/friessner/04.ht...